Video: Mỏ đá Phả Ngọc: Khai thác ồ ạt, dân gồng mình chịu trận
Theo phản ánh của người dân, trung bình cứ 3 đến 5 ngày, công ty lại tiến hành nổ mìn để khai thác đá, nhưng không hề có thông báo trước. Mỗi lần nổ mìn khiến bụi đá bay mù mịt, nhiều ngôi nhà bị rung lắc, nứt nẻ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sức khỏe của người dân. Dù nhiều năm qua người dân đã liên tục kiến nghị đến chính quyền địa phương, song tình trạng này vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Ông Hoàng Văn Tụy, một người dân xóm 6, bức xúc: "Dàn xay đá chỉ cách nhà tôi chừng 70m. Mỗi lần nghiền đá, bụi phủ trắng nhà, cháu nội tôi bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng. Nổ mìn thì làm nhà cửa nứt nẻ, sụt lún. Chúng tôi luôn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ".
Tương tự, anh Phùng Văn Hoan cho biết căn nhà mới xây của anh vào năm 2021 đến nay đã xuất hiện nhiều vết rạn. "Mỗi lần mỏ đá nổ mìn là nhà tôi rung chuyển, tường và trần đều bị nứt. Xe tải chở đá ra vào liên tục, làm bụi bẩn vương vãi ra môi trường. Gần như toàn bộ các hộ dân quanh đây đều bị ảnh hưởng".
Ông Hoàng Văn Hợi, một người dân khác, chia sẻ: "Mỏ đá hoạt động cả ngày lẫn đêm, nổ mìn mà chẳng khi nào báo trước cho dân".
Một người dân khác bức xúc nói thêm: "Họ khai thác như thể sắp đóng cửa mỏ, bụi bay mù mịt, tường nhà thì nứt toác. Dân chúng tôi khổ quá rồi. Lợi nhuận thì họ hưởng, còn hậu quả thì dân gánh".
Theo tìm hiểu, mỏ đá của Công ty Phả Ngọc Nghệ An được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép từ năm 2011, với diện tích 9ha, trữ lượng gần 3 triệu m3, công suất khai thác 85.000 m3/ năm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hoạt động khai thác diễn ra quy mô lớn, với hai dàn máy xay nghiền công suất cao.
Đáng chú ý, mỗi ngày có cả trăm lượt xe tải ra vào lấy hàng, tập trung nhiều vào khoảng 5h-7h sáng. Các loại xe chủ yếu gồm xe đầu kéo (30 tấn) và xe Howo (12 tấn). Theo ước tính, mỗi xe đầu kéo chở khoảng 25m3 đá, xe Howo có thể chở lên tới 15m3 đá, chưa kể các xe nhỏ.
Nếu tính trung bình mỗi xe chở 20m3 đá, với khoảng 100 lượt xe mỗi ngày, thì sản lượng khai thác tiêu thụ vào khoảng 2.000m3/ ngày. Như vậy, chỉ trong vòng 3 tháng, sản lượng tiêu thụ có thể lên tới khoảng 180.000m3, gấp hơi hai lần công suất khai thác được cấp phép trong một năm (85.000m3).
Với tốc độ khai thác như vậy, chỉ trong vòng 5-7 năm, toàn bộ trữ lượng mỏ đá có thể bị khai thác hết, thay vì khai thác bền vững trong 30 năm như thiết kế ban đầu.
Đáng lo ngại, nhiều xe chở đá vượt quá tải trọng, chất đầy đá lên thành thùng và để rơi vãi ra quốc lộ 15, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nghiêm trọng.
Đáng nói, ngay sát cổng mỏ còn có một điểm bơm dầu tự phát nằm cạnh khu dân cư, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Bên trong mỏ, cảnh tượng khai thác nham nhở tạo ra những hố sâu đọng nước không biển cảnh báo, chẳng khác nào những “bẫy trời” chờ lúc mưa to.
Không chỉ dừng lại ở việc “mài đá lấy tiền”, Công ty Phả Ngọc Nghệ An còn có dấu hiệu “đào đất đút túi”. Dù chỉ được cấp phép khai thác đá, nhưng thực tế tại mỏ lại thường xuyên xuất hiện hoạt động múc đất. Ghi nhận cho thấy nhiều chuyến xe tải chở đất từ mỏ đã được đưa về phục vụ cho các công trình tại TP Vinh, như Khu đô thị ven sông Vinh và một số bãi tập kết vật liệu tại phường Hưng Đông.
Đáng nói hơn, ngay sát cổng mỏ còn có một trạm bơm dầu tự phát nằm cạnh khu dân cư, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ nghiêm trọng. Bên trong mỏ, cảnh tượng khai thác nham nhở tạo ra những hố sâu đọng nước không biển cảnh báo, chẳng khác nào những “bẫy trời” chờ lúc mưa to.
Người dân đã nhiều lần kiến nghị, chính quyền cũng đã nhiều lần ghi nhận. Nhưng rồi mỏ đá vẫn nổ mìn, nhà dân vẫn nứt, bụi đá vẫn bay và đất vẫn đều đều ra đi theo từng chuyến xe. Có lẽ, trong câu chuyện này, ai cũng có phần chỉ có người dân là “có phần khổ”.










